Sáng 4/10, trong họp báo Hội nghị những người viết trẻ lần thứ 5, các đại diện Hội Nhà văn TP HCM nói về sự phát triển của các cây bút trẻ trong dòng chảy văn học, nghệ thuật. Theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn - ủy viên Ban chấp hành, Trưởng Ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn TP HCM, sự kiện năm nay có một số tác giả dưới 20 tuổi như Minh Anh, sinh năm 2007, từng đoạt giải A của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2023 hay Cao Việt Quỳnh, sinh năm 2008, tác giả bộ ba tiểu thuyết Người sao chổi.
"Trong năm kỳ đại hội, lần đầu tiên có sự góp mặt của các nhà văn sinh sau năm 2000. Họ mang đến làn gió tươi mới với tư duy sáng tạo, khả năng thích ứng nhanh và vốn ngôn ngữ đa dạng. Tôi tin các bạn trẻ là đại sứ mang văn học Việt Nam ra thế giới", ông nói.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nói về sự đa dạng các tác giả của văn học TP HCM. Video: Quế ChiNhà thơ Lê Thiếu Nhơn nói về sự đa dạng các tác giả của văn học TP HCM. Video: Quế Chi
Lê Thiếu Nhơn cho biết sau bảy năm từ Hội nghị những người viết trẻ lần thứ tư năm 2017, có hàng loạt cây bút thế hệ mới xuất hiện với phong cách sáng tác trực diện về những vấn đề xã hội. Nhiều đề tài như như môi trường, bất bình đẳng giới, câu chuyện đời thường gần gũi được họ đưa vào tác phẩm, mang đến cái nhìn sâu sắc về cuộc sống, thúc đẩy sự quan tâm của độc giả.
So với thế hệ của ông, các tác giả này có thể sáng tác song ngữ, cởi mở trong cách truyền tải ý tưởng và cảm nghĩ ở từng tác phẩm. Nhiều cây bút là doanh nhân, bác sĩ, có cơ hội tiếp cận công nghệ thông tin, được độc giả ủng hộ. Khi viết, họ lồng ghép giá trị tư tưởng, thẩm mỹ, thoát khỏi khuôn mẫu truyền thống để tạo nên cách viết riêng, mang dấu ấn cá nhân.
Từ trái qua: Tác giả Minh Anh, 17 tuổi, giành giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2023 với tập thơ song ngữ Anh - Việt "Một ngày từ bên trong"; Cao Việt Quỳnh, 16 tuổi, tác giả bộ tiểu thuyết "Người sao chổi". Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đồng quan điểm, chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM - nhà văn Bích Ngân - nhận định tài năng trẻ giúp làng văn có thêm lát cắt đa chiều về cuộc sống. Trong thời đại số, lãnh đạo Hội Nhà văn TP HCM nhận thấy công chúng đón nhận nhiều tác phẩm hơn trước do công nghệ hiện đại. Một số cây bút còn tự quảng bá trên mạng xã hội, biết cách mở rộng tệp khán giả, chuyển đổi từ sách giấy sang sách nói (audio book).
"Hiện sách của các tác giả trẻ chiếm ưu thế trên thị trường, được người đọc quan tâm và yêu mến, chứng minh qua các giải thưởng của thành phố lẫn quốc gia. Thông qua chương trình, ban tổ chức muốn tạo không khí gần gũi, chân thành, để nhiều nhà văn mở rộng ngòi bút, có dịp thể hiện quan điểm và phong cách sáng tác", bà Bích Ngân nói.
Nhà văn Bích Ngân - chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM - phát biểu trong buổi họp báo ngày 4/10. Ảnh: Quế Chi
Sau khi giải thưởng Văn học tuổi 20 dừng tổ chức, việc phát triển nhân lực cho làng văn gặp nhiều khó khăn. Ngoài việc thực hiện hội nghị, ban lãnh đạo lên kế hoạch phối hợp các nhà xuất bản để giới thiệu sách của nhiều tác giả mới.
Đầu tháng 10, Hội Nhà văn phối hợp Nhà xuất bản Văn học ấn hành cuốn sách Dòng chảy của nước, tuyển chọn tác phẩm của 62 cây viết trẻ. Sách có nhiều tên tuổi thành danh như Trương Anh Quốc, Đào Phong Lan, Văn Thành Lê, Nguyệt Phạm, Minh Đan, Nguyễn Phong Việt, Ngô Thị Hạnh, Trần Minh Hợp. Hội cũng duy trì trại sáng tác hàng năm nhằm tạo điều kiện cho sinh viên các trường tham gia, lắng nghe nhà văn nổi tiếng trao đổi kinh nghiệm.
Bìa "Dòng chảy của nước", gồm nhiều tác phẩm của 62 tác giả, phát hành dịp Hội nghị những người viết trẻ lần thứ 5. Ảnh: Quế Chi
Sự kiện Hội nghị những người viết trẻ do Hội Nhà văn TP HCM tổ chức, mang chủ đề Đồng hành khát vọng phương Nam - hướng đến đội ngũ sáng tác lớn lên sau cột mốc ngày thống nhất đất nước - 30/4/1975. Chương trình dự kiến quy tụ 100 đại biểu, bao gồm 50 cây bút dưới 40 tuổi, 50 người từ 40 đến 50 tuổi, có tác phẩm được công chúng đón nhận hoặc từng đoạt giải văn chương như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Thị Kim Hòa, Lê Quang Trạng, đạo diễn - tác giả Xuân Phượng. Họ sẽ dâng hương Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, giao lưu các tác giả trẻ đồng bằng sông Cửu Long tại Đại học An Giang.
Quế Chi