Những bộ đội vật lộn với lũ cứu dân

13/09/2024
|
0 lượt xem
Bài Học Sống Đời Sống
Những bộ đội vật lộn với lũ cứu dân

Phía đầu, người lái tăng ga. Chiếc ca nô "giãy giụa" vài chục giây rồi thoát ra. 20 người dân cùng 5 thành viên đội cứu hộ xã Phúc Trìu thở phào vì biết đã vượt qua cửa tử.

"Thấy lũ trẻ khóc thét lên vì sợ, tôi chỉ kịp nghĩ phải làm mọi cách giữ mạng sống cho chúng", Trần Quang Ngọc, Phó chỉ huy trưởng, Ban chỉ huy quân sự xã Phúc Trìu kể về đêm vật lộn với nước lũ để cứu người dân TP Thái Nguyên.

Anh Trần Quang Ngọc, Phó chỉ huy quân sự xã Phúc Trìu, TP Thái Nguyên cứu hộ người dân phường Quang Vinh, đêm 9/9/2024. Ảnh: Q.N

8h sáng 9/9, anh Ngọc cùng bốn đồng đội được Bộ chỉ huy quân sự tỉnh chỉ đạo đi cứu nạn tại phường Quang Vinh, nơi bị ngập sâu nhất và nguy kịch nhất. Hành trang của người đàn ông 36 tuổi lúc đó chỉ có bộ quần áo, điện thoại liên lạc cùng chiếc xuồng máy mượn của xã.

Ngọc nổ máy xuống lúc mức nước sông Cầu đạt 2,8m - cao hơn báo động ba 91cm, khiến 119 xóm, tổ dân phố của TP bị cô lập với gần 4.000 hộ bị ngập.

Vì là người xã khác, chưa thông thạo địa hình, ban đầu xuồng máy do anh Ngọc chỉ huy chỉ tiếp cận những hộ ở tổ 5,6, 7 và xóm Rừng Vầu nơi nước không chảy xiết. Đến tối, vị phó chỉ huy quân sự xã được phân công cứu trợ những gia đình bị cô lập và ngập sâu nhất.

21h ngày 9/9, nhận tin một hộ dân có trẻ sơ sinh hai tuần tuổi kêu cứu, đội của Ngọc lên đường. Người chồng và em bé được đội cứu hộ đưa ra ngoài trước. Họ quay lại tháo cửa gỗ, đặt người phụ nữ mới sinh nằm lên, khiêng ra ngoài tránh để chị ngâm mình dưới nước bẩn. "Suốt một tiếng cứu hộ, em bé dường như hiểu chuyện nên không quấy khóc", Ngọc nói. Nhờ vậy mà người nhà bớt hoảng loạn, việc cứu hộ cũng suôn sẻ hơn.

Vừa đưa gia đình em bé đến nơi an toàn, Trần Quang Ngọc lại nhận thông tin về một cụ già gãy chân, đang mắc kẹt trong nước lũ. Nhà cụ nằm sâu trong ngõ, xuồng máy không thể tiếp cận, giải pháp duy nhất là đập tường nhà hàng xóm để vào trong. Không búa, không dụng cụ phá tường, mọi người trong đội vớt củi to trôi trên mặt nước thay thế. Sau hơn một tiếng, chiếc xuồng cũng vào được nhà, đưa cụ già ra ngoài an toàn.

Cứ như vậy từ 8h sáng ngày 9/9 đến 5h ngày 10/9, đội của Ngọc làm việc liên tục không nghỉ, không ngủ. Mỗi khi quá mệt, họ chỉ ngả lưng vài phút. Bữa ăn của họ là những ổ bánh mì người dân tiếp tế trên đường.

Nhưng đó không phải là khó khăn duy nhất. Ngoài việc ca nô suýt bị lật do vướng vào dây cáp, Ngọc còn chứng kiến đồng đội bị văng khỏi ca nô khi vướng vào chướng ngại vật lúc cứu hộ. Có người còn bị mảnh thủy tinh đâm sâu vào chân, phải quay lại bờ cấp cứu. Cũng vì không thạo địa hình và nước chảy xiết nên có thời điểm xuồng lạc ra giữa sông Cầu lúc nửa đêm, may mắn tìm được đường trở về.

Sau gần 24 tiếng dầm mình trong nước lũ, sức đã cạn, người đàn ông này mới lên bờ nghỉ ngơi. Lúc này các kẽ chân anh lở loét, đi lại đau đớn. Ngọc nói dù sau đó đã tắm rửa nhưng sờ vào đâu cũng thấy ngứa, khắp nơi bỏng rát.

Anh Nguyễn Thế An, Phó chỉ huy quân sự phường Quang Vinh (thứ hai, trên cùng) nhường áo phao cho người dân khi cứu hộ, ngày 9/9. Ảnh: T.A

Không gặp khó khăn về địa bàn nhưng anh Nguyễn Thế An, Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự phường Quang Vinh cũng nhiều lần thót tim khi đi cứu dân.

Anh An nói dù có kinh nghiệm hơn 10 năm lái xuồng máy nhưng di chuyển giữa dòng nước lũ chảy xiết vào ban đêm cũng rất nguy hiểm. Đội cứu hộ không ít lần va vào mái tôn sắc nhọn, chỉ sơ sẩy chút là có thể mất mạng.

Suốt 5 ngày đêm đi cứu hộ, An chỉ hai lần tạt qua nhà ở tổ 10, nơi ngập nặng nhất phường Quang Vinh. Khi biết bố mẹ già cùng em trai vẫn an toàn trên gác xép, anh lại tiếp tục lên đường.

"Có lần xuồng máy hỏng nhưng phải cứu một phụ nữ mang thai giữa đêm bị ngã do nước lũ chảy xiết, chúng tôi buộc chèo thuyền bằng tay hơn một km để đưa bệnh nhân đi cấp cứu", anh An kể.

Khàn giọng hô hào chỉ huy, cũng có lúc lại kiệt sức vì cứu trợ nhưng anh An luôn thấy ấm lòng trước tình cảm của người dân. Mỗi lần cứu hộ đến bờ an toàn, toàn đội lại được vỗ tay chào đón hay được hỗ trợ xoa bóp nhằm giảm đau cơ.

"Chưa khi nào tôi thấy tình đồng bào, đồng chí lại ấm áp như lúc này", An nói.

Trung tá Ngô Anh Quyến, Phó Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn công binh 575, Quân khu 1 (bên phải) và đồng đội hỗ trợ người dân ở vùng cô lập tại xóm Rừng Vầu, phường Quang Vinh, TP Thái Nguyên đến nơi an toàn, sáng 10/9/2024. Ảnh: Thanh Nga

Là người được đưa ra ngoài an toàn bằng xuống cứu hộ khi căn nhà ngập sâu 1,5m, bà Lê Thị Yến ở tổ 6, xóm Rừng Vầu, phường Quang Vinh nói lần đầu trong đời trải qua trận lũ lớn như vậy. Từ sáng 9/9, người phụ 50 tuổi đã chứng kiến xuồng cứu hộ liên tục ra vào đưa đón người dân, tiếp tế lương thực.

Trung tá Ngô Anh Quyến, Phó chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn công binh 575, Quân khu 1, người đưa gia đình bà Yến ra ngoài vào sáng 10/9, cho biết một số khu vực tại TP Thái Nguyên ngập nặng, đường nhỏ hẹp, nước xoáy sâu khó di chuyển. Anh cùng đồng đội luôn cố gắng tiếp cận hỗ trợ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho mọi người.

"Thấy thuyền cứu trợ, nhiều người vỗ tay nói: Bộ đội đến, sống rồi", trung tá Quyến kể. Khoảnh khắc xúc động đó anh sẽ nhớ suốt đời.

Từ ngày 12/9 khi nước lũ dần rút, anh Ngọc, anh An cũng như anh Quyến tiếp tục giúp người dân dọn dẹp trường học, nhà cửa, đường sá. Nhiều ngày xa gia đình, thậm chí có lúc bị cắt đứt liên lạc do bão lũ nhưng đến giờ họ vẫn chọn ở lại để làm tròn trách nhiệm với nhân dân.

Thanh Nga - Hải Hiền

Tin liên quan
Tin Nổi bật